Quy trình đăng kiểm xe ô tô là điều không còn quá xa lạ đối với các tài xế hoặc những ai đang sở hữu riêng cho mình chiếc ô tô. Đây cũng là quy định bắt buộc của pháp luật Việt Nam cũng như Bộ Giao thông vận tải. Thực hiện đầy đủ quy trình và thủ tục đăng kiểm nhằm giúp ô tô có thể đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn để lưu hành thuận lợi.
Các bạn đọc hãy cùng S-AUTO tìm hiểu về một số lưu ý về quy trình và thủ tục đăng kiểm để quá trình đăng kiểm được thuận lợi và hiệu quả nhất nhé.
Thủ tục đăng kiểm ô tô năm 2021
Tùy vào từng loại xe cụ thể và tuổi thọ hiện có của xe mà có những quy định về thời điểm đăng kiểm khác nhau. Với xe con không kinh doanh vận tải, chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 30 tháng, những lần sau chu kỳ sẽ là 18 tháng và rút ngắn còn 12 tháng khi chạm mức 7 năm. Chu kỳ này sẽ chỉ còn 6 tháng khi xe có tuổi thọ 12 năm kể từ ngày sản xuất.
Tìm hiểu thêm về chu kỳ đăng kiểm được ghi rõ tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT
Xe ô tô phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (kiểm định) tại cơ sở đăng kiểm được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép. Những thủ tục trong khi đi đăng kiểm bao gồm:
Nộp hồ sơ: Hồ sơ bao gồm đăng ký xe ( bản chính hoặc bản sao có xác nhận của ngân hàng đang cầm giữ, tổ chức cho thuê tài chính hoặc giấy hẹn cấp đăng ký xe), đăng kiểm cũ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự (có thể mua bảo hiểm tại quầy), viết tờ khai và đóng phí gồm phí kiểm định xe cơ giới và lệ phí cấp chứng nhận. Với xe con, phí kiểm định là 240.000 đồng và lệ phí cấp chứng nhận 100.000 đồng.
Chờ khám xe: Trường hợp xe có vấn đề không đạt yêu cầu, nhân viên đăng kiểm sẽ đọc biển số để lái xe mang đi sửa rồi quay lại sau. Vì vậy, nên kiểm tra bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm. Nếu không có vấn đề gì, thời gian khám chỉ khoảng 5-10 phút.
Đóng phí bảo trì đường bộ: Nếu xe đáp ứng tiêu chuẩn đăng kiểm, nhân viên đăng kiểm theo thứ tự sẽ đọc biển số xe để lái xe đóng phí bảo trì đường bộ.
Dán tem đăng kiểm mới: Khi đã hoàn tất các thủ tục trên, tài xế ra xe chờ dán tem đăng kiểm mới, nhận hồ sơ và ra về.
Xem thêm: Chu kỳ đăng kiểm theo quy định mới từ 1/10/2021
Quy trình kiểm định ô tô chia làm 5 công đoạn gồm:
- Kiểm tra tổng quát xe
- Kiểm tra phần trên của xe
- Kiểm tra trượt ngang bánh xe dẫn hướng, phanh xe
- Kiểm tra tiêu chuẩn môi trường (khí thải)
- Kiểm tra phần dưới của xe.
Mỗi công đoạn được chia ra nhiều hạng mục nhỏ để kiểm tra (khoảng 56 hạng mục) . Tùy từng loại xe sẽ có những hạng mục khác nhau. Chủ xe có thể tự kiểm định một số hạng mục cần thiết trên chiếc xe của mình để tiết kiệm thời gian và đảm bảo quá trình đăng kiểm diễn ra thuận lợi.
Việc cần làm trước khi bắt đầu quy trình đăng kiểm xe ô tô
Để có thể thông qua cả 5 công đoạn kiểm tra này, trước khi đăng kiểm các bạn nên sửa chữa, bảo dưỡng xe một lần nhằm đảm bảo xe đạt điều kiện tốt nhất.
- Lau rửa xe, làm sạch số khung xe, kiểm tra các số ở trên xe có nhìn rõ không.
- Rửa là lau chùi biển số, đảm bảo có thể giúp nhân viên đăng kiểm nhìn rõ số.
- Kiểm tra mức nước làm mát của động cơ, kiểm tra nước rửa kính, dầu trợ lực, dầu phanh.
- Quan sát và khắc phục những dấu hiệu (nếu có) của động cơ xe.
- Kiểm tra nội thất và ngoại thất để đảm bảo các bộ phận hoạt động tốt.
- Kiểm tra tình trạng hoạt động của cần gạt nước thật kỹ càng.
- Đo áp suất của lốp để điều chỉnh phù hợp. Đảm bảo lốp xe không bị lệch.
- Kiểm tra gương, đèn của xe xem có hoạt động tốt hay không là một trong những phần không thể thiếu của quy trình đăng kiểm xe ô tô
Xem thêm: Thủ tục đăng kiểm ô tô thế chấp ngân hàng